Để mô phỏng lại môi trường sinh trưởng của nấm trong tự nhiên, trước tiên ta cần hiểu rõ hơn về điều kiện của từng giai đoạn sinh trưởng của nấm.
Trong tự nhiên, bào tử nấm nảy mầm ở nơi ẩm, dinh dưỡng phù hợp, ít vi sinh cạnh tranh… nơi môi trường phù hợp cho việc phát triển hệ sợi (mycelium). Khi thể sợi phát triển tới bề mặt ngoài và tiếp xúc môi trường phù hợp sẽ ra quả thể (nấm).
Một chu kì sinh trưởng của nấm bắt đầu từ bào tử (spore). Bào tử (spores) có thể coi là hạt, sợi nấm (mycelium) có thể coi là cây, và nấm có thể coi là quả nếu so sánh với một cây thực vật.
Các giai đoạn phát triển của nấm
Giai đoạn chiếm hữu (colonization):
- Giai đoạn này gọi là giai đoạn “chiếm hữu” (colonization), hệ sợi sẽ phát triển và chiếm giữ dinh dưỡng từ chất nền. Sau khi chiếm hữu toàn bộ khối dinh dưỡng, khi cho thể sợi tiếp xúc với các điều kiện ra quả, nấm sẽ hình thành.
- Trong giai đoạn này, hệ sợi không cần tiếp xúc với nhiều không khí, nhưng khi lượng CO2 quá cao có thể dẫn đến ngưng trệ trao đổi chất nên vẫn cần sự trao đổi khí nhất định.
- Điều kiện: Độ ẩm cao, giàu dinh dưỡng, không có nhiều vi sinh vật cạnh tranh, trao đổi khí vừa phải.
Do đó, khi nuôi cấy nhân tạo, cần tạo ra môi trường ẩm, giàu dinh dưỡng cũng như tiệt trùng tránh vi khuẩn, nấm mốc khác tranh chấp. Chúng ta có thể sử dụng các hũ thuỷ tinh hay bịch nhựa nylon kín chứa ngũ cốc đã tiệt trùng để tạo ra môi trường tương tự. Các dạng bao bì này cần có lỗ thoát khí có lọc để giải phóng bớt lượng CO2 mà nấm tạo ra nhưng không cho tạp nhiễm từ bên ngoài xâm nhập.
Giai đoạn ra quả (fruiting):
- Cơ chế ra quả của nấm có thể hiểu như sau: Quả thể nấm là cơ quan sinh sản của thể sợi. Khi chất nền mất dần độ ẩm và dinh dưỡng báo hiệu môi trường không còn thích hợp để duy trì sự sống của hệ sợi, quả nấm sẽ hình thành để duy trì nòi giống thông qua việc phát tán bào tử.
- 90% thành phần quả nấm là nước vậy nên nấm thường mọc ở những nơi ẩm, nhiệt đới, thường sau khi mưa.
- Điều kiện: Sự bốc hơi từ giá thể, độ ẩm cao, bề mặt giá thể nghèo dinh dưỡng, ánh sáng, sự trao đổi khí. Các điều kiện trên là dấu hiệu hệ sợi đã chạm tới bề mặt bên ngoài tiếp xúc với không khí, phù hợp để ra quả.
Để tái tạo điều kiện ra quả, có một số phương pháp cơ bản. Ở quy mô nhỏ tại nhà, phương pháp phổ biến là sử dụng monotub/ shotgun chamber (hộp nhựa có lỗ thông khí) nhà kính hoặc chuồng trại được trang bị các hệ thống phun sương và kiểm soát nhiệt độ.
Để bắt đầu trồng nấm tại nhà cần những gì?
Giống nấm: Dung dịch bào tử (Spore Solution) hay phôi lỏng (Liquid Culture)
Đây là sản phẩm được tạo ra trong phòng thí nghiệm giúp bạn có thể dễ dàng bắt đầu cấy giống mà không cần các thiết bị vô trùng phức tạp. Sợi nấm chứa trong dung dịch có thời gian chiếm hữu nhanh hơn hẳn bào tử do không mất thời gian nảy mầm, ngay khi cấy vào dinh dưỡng sẽ bắt đầu chiếm hữu nhanh chóng.
Dụng cụ làm meo nấm:
- Hũ thuỷ tinh
- Bông gòn nhân tạo (bông nhồi, không thấm nước, lấy trong ruột gối, gấu bông…)
- Ngũ cốc hạt cứng giàu dinh dưỡng (Gạo lứt, bắp, lúa mỳ, hạt kê…)
- Nồi áp suất cơ / Nồi áp suất điện
- Bếp, nồi, rổ, giấy bạc
Dụng cụ làm monotub và giá thể ra quả:
- Thùng nhựa có nắp 10~15 Lít. Sử dụng khoan hoặc dao để khoét lỗ thông khí.
- Chất nền bổ sung (mùn dừa , vermiculite, mùn cưa…)
Dụng cụ vệ sinh: Găng tay, khẩu trang y tế, cồn 70 độ, bình xịt
Các bạn có thể click vào các mục trên để mở link mua sản phẩm. Ngoài ra, Nấm Việt cũng cung cấp các bộ dụng cụ đầy đủ từ A-Z: