Đối với các loài nấm ăn gỗ, mọc trên thân cây, chúng ta có thể sử dụng các bao bì dạng trụ như xô nhựa để ra quả (phương pháp Bucket Tek) ngay tại nhà.
Chuẩn bị
- Meo Nấm đã chiếm hữu
- Xô nhựa có nắp
- Khoan & mũi khoan
- Cơ chất/ giá thể chất gỗ (mùn cưa không dầu, viên gỗ nén, …)
- Keo dán micropore
- Chậu (để trộn giá thể)
Bước 1: Chuẩn bị xô
Bạn cần đục các lỗ nhỏ trên xô để mô phỏng lại bề mặt ra quả trong tự nhiên: nấm sẽ phát triển quả thể trên các kẽ nứt trên vỏ thân cây.
Bạn có 2 lựa chọn là khoét 2 lỗ bự hoặc nhiều các lỗ nhỏ trên xô. Nếu khoét lỗ bự thì khi ra quả cần lưu ý để xô ở nơi có độ ẩm được duy trì tốt. Kích thước của các lỗ này sẽ tỉ lệ thuận với kích cỡ của quả thể nấm.
Bước 2: Dán băng micropore
Dán băng micropore kín các lỗ vừa khoét ở trên. Loại băng dán thoáng khí này giúp cho phôi nấm thở mà không bị mất ẩm. Ngoài ra nó cũng giúp giữ cho tạp nhiễm không lọt vào trong xô.
Bước 3: Chuẩn bị giá thể/ cơ chất bổ sung
Thanh trùng/ Tiệt trùng:
Với mỗi 1kg cơ chất gỗ khô, thêm 1,5kg nước để đạt độ ẩm 60% (tuỳ chỉnh tuỳ giống nấm).
Ngâm cơ chất trong nước trong 24 giờ để nước ngấm.
Bỏ bịch và hấp cách thuỷ trong 8 tiếng để thanh trùng cơ chất (đối với các loài nấm ngắn ngày có hệ sợi chiếm hữu mạnh) hoặc hấp áp suất 15 psi trong 90 phút để tiệt trùng (đối với các loài nấm dài ngày).
Bước 4: Trộn meo và giá thể/ cơ chất bổ sung
Sau khi bịch cơ chất đã nguội, đổ ra chậu/hộp và bóp vụn meo nấm đã chiếm hữu vào và trộn đều.
Tỉ lệ meo : cơ chất hợp lý là 1:1 – 1:3. Lượng meo càng nhiều so với cơ chất bổ sung thì tốc độ chiếm hữu càng nhanh và rủi ro nhiễm tạp càng thấp cũng nhưng sản lượng càng cao.
Bước 5: Cho giá thể vào xô
Dùng một chiếc thìa sạch đã lau với cồn và xúc giá thể đổ vào xô, sau đó dùng tay (có đeo găng tay) ấn nhẹ để nén giá thể và loại bỏ các bóng khí bên trong. Đảm bảo bạn đúc đầy xô.
Bước 6: Chiếm hữu
Giai đoạn chiếm hữu là khi hệ sợi mycelium phát triển và bao phủ đầy giá thể.
Trong khoảng 1-3 tuần, hệ sợi sẽ phát triển từ meo hạt và chiếm hữu toàn bộ phần cơ chất gỗ bổ sung.
Khi quá trình này hoàn tất, hệ sợi sẽ sẵn sàng tạo ra quả thể nấm.
Hệ sợi phát triển tốt nhất trong bóng tối, nên hãy để xô ở nơi tối và mát.
Tốc độ chiếm hữu phụ thuộc vào một số yếu tố như tỉ lệ meo và nhiệt độ.
Bước 7: Kích thích ra quả
Sau 1-3 tuần, bạn có thể bóc lớp băng micropore từ các lỗ trên xô và đặt xô vào môi trường thích hợp để kích thích ra quả.
Trước khi bóc hết lớp băng dính, hãy hé băng dính một chút và kiểm tra xem hệ sợi đã chiếm hữu hết bề mặt ra quả chưa. Nếu như chưa, hãy dán băng dính lại và đợi thêm một chút để quá trình chiếm hữu hoàn thành.
Hãy tìm một nơi ẩm, mát và không có ánh nắng trực tiếp để đặt xô nấm.
Mặc dù nấm không cần ánh sáng để quang hợp tạo ra năng lượng như thực vật, ánh sáng gián tiếp là một dấu hiệu kích thích nấm tạo quả (tuy ánh sáng trực tiếp lại làm nấm chậm phát triển).
Mỗi ngày, dùng bình xịt sương xịt đều xung quanh xô để tạo môi trường ẩm cao giúp duy trì quá trình phát triển quả thể.
Nhằm duy trì độ ẩm cao xung quanh, bạn cũng có thể đặt xô bên trong một chiếc “lều” bằng nilon có đục nhiều lỗ xung quanh (để hỗ trợ trao đổi khí).
Tốt hơn nữa, bạn có thể làm các dạng nhà kính hoặc monotub/ shotgun chamber để tạo môi trường ra quả trong nhà tối ưu hơn cho nấm.
Nếu môi trường có độ ẩm cao, ví dụ như khi thời tiết mưa nhiều, bạn có thể không cần xịt ẩm hay đặt xô trong nhà kính!
Bước 9: Thu hoạch!
Sau 1-2 tuần từ khi nấm mọc, bạn có thể bắt đầu thu hoạch thành quả của mình! Lưu ý khi nấm mở mũ hay khi bắt đầu có dấu hiệu khô/ xỉn màu, bạn cần thu hoạch chúng ngay!
Để thu hoạch, chỉ cần xoay và dứt nhẹ nấm ra khỏi xô.
Thông thường, một xô nấm có thể ra quả nhiều đợt. Sau mỗi lần thu hoạch hãy nhớ xịt ẩm trực tiếp vào lỗ ra quả và bù ẩm cho môi trường xung quanh xô nấm.