Bài viết được lấy tại THDP DEEP CLUB 20/8/2020 Gia nhập THĐP DEEP CLUB https://bit.ly/DK_DEEPCLUB
Nghiên cứu gần đây cho thấy trong “nấm thần kỳ” (“magic mushrooms”) có một chất khiến não bộ tạo ra các liên kết mới giữa các vùng chưa được kết nối trước đó.
Nấm psilocybin ám chỉ đến khoảng 100 loài nấm khác nhau với vô số biệt danh (chẳng hạn như “Magic Mushrooms,” “Liberty Caps”, hoặc đơn giản là “Shroom”) và chứa các hợp chất thức thần có thể tạo ra sự hưng phấn, ảo giác và thay đổi quá trình suy nghĩ. Mặc dù chúng có thể đã được sử dụng cho các mục đích tâm linh từ thời tiền sử, sự phổ biến của nấm bùng nổ ở Hoa Kỳ vào những năm 1960.
Năm 1955, Valentina và R. Gordon Wasson được biết đến là những người da trắng đầu tiên đã chủ động tham gia vào một buổi nghi lễ đối với nấm bản địa. Sau đó, họ đăng một bài báo về trải nghiệm của mình trên tạp chí Life vào năm 1957, và được truyền cảm hứng từ bài báo trên Life, một giảng viên tâm lý học lâm sàng tại Harvard tên là Timothy Leary đã đến Mexico để trải nghiệm tác dụng của nấm lên chính mình. Sau đó, ông trở lại Harvard và cùng với Richard Alpert đã bắt đầu Dự án Harvard Psilocybin nhằm thúc đẩy nghiên cứu tâm lý và tôn giáo về nấm psilocybin và các loại thuốc thức thần khác khác. Harvard dường như không ấn tượng với hướng nghiên cứu này vì Leary và Alpert đã bị trường sa thải vào năm 1963. Leary tiếp tục quảng bá những trải nghiệm thức thần cho phong trào phản văn hóa hippie của những năm 1960, với một số cụm từ đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian đó, chẳng hạn như “TURN ON, TUNE IN, DROP OUT” (TD: Bật lên – Bộc lộ – Buông bỏ) và “Think for yourself and question authority,” (TD: Hãy tự suy nghĩ và thắc mắc thẩm quyền) được cho là của ông.
“Turn on” có nghĩa là đi vào trong để kích hoạt dụng cụ tinh thần và gen của bạn, trở nên nhạy cảm với nhiều mức độ khác nhau của tâm thức và các yếu tố kích thích đặc biệt tiếp xúc với chúng. Các loại thuốc là một cách để đạt được mục đích này. “Tune in” có nghĩa là tương tác hài hòa với thế giới quanh bạn, hiện thực hóa, cụ thể hóa, bộc lộ những góc nhìn mới trong bạn. “Drop out” gợi ý một quá trình thư thái, chủ động, có chọn lọc, của sự buông bỏ khỏi những cam kết không mong muốn hay vô thức. “Drop out” có nghĩa là tự dựa cậy (self-reliance), một sự khám phá ra điểm hội tụ (singularity) của bạn, một sự cam kết với sự linh hoạt, lựa chọn, và thay đổi. Không vui thay, những giải thích của tôi về trình tự của sự phát triển cá nhân thường bị hiểu lầm là “Phê pha và dừng mọi hoạt động có tính xây dựng.”
— Timothy Leary, Flashbacks
Việc lạm dụng LSD và nấm thức thần đã khiến chính phủ liên bang xếp hai chất này, cùng với cần sa và heroin, là các chất bị kiểm soát theo Nhóm 1 vào năm 1971, và từ đó đến nay đã không thay đổi. Các chất thuộc Nhóm 1 là những chất không có mục đích chữa bệnh nào được biết đến và việc sở hữu chúng là bất hợp pháp. Do chúng là các chất thuộc Nhóm 1, việc nghiên cứu về những lợi ích sinh lý tiềm năng của nấm psilocybin đã ngừng lại vào những năm 1970 và 1980.
Các nghiên cứu về nấm psilocybin dần dần tái xuất hiện bắt đầu vào những năm 1990, và các nghiên cứu gần đây nhất đã cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn. Công trình đầu tiên, được xuất bản năm 2006 trên tạp chí Neurology, đã phỏng vấn 53 bệnh nhân từng tự dùng psilocybin hoặc LSD để giảm những cơn đau đầu từng cơn. Được xem là “cơn đau đầu tự tử” vì mức độ đau dữ dội của chúng và tỷ lệ tự tử cao bất thường ở những người mắc phải, đau đầu từng cơn nổi tiếng là không thể giảm bớt bằng các loại thuốc thông thường. Đại đa số bệnh nhân cho biết họ đã thuyên giảm hoàn toàn hoặc một phần cơn đau đầu sau khi sử dụng nấm psilocybin: các cơn đau đầu từng cơn đã dừng lại hoặc khoảng cách giữa các cơn đau xa hơn. Liều lượng cần thiết cho những hiệu ứng này chỉ bằng một phần tư lượng thường dùng cho các mục đích tiêu khiển. Các tác giả kết luận rằng dù những phát hiện của họ là sơ bộ, thì bằng “xét đến tính hiệu quả cao được báo cáo đối với tình trạng khó chữa nổi tiếng này, rất khó để gạt bỏ một loạt các trường hợp trên như những điều hoàn toàn giả tạo. Nghiên cứu sâu hơn được đảm bảo.”
Một nghiên cứu khác, được xuất bản năm 2010 trên Tạp chí Archives of General Psychiatry, đã xem xét tiềm năng của psilocybin trong việc giảm sự lo lắng ở bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Nghiên cứu đã cho 12 bệnh nhân dùng psilocybin liều thấp, và báo cáo rằng các bệnh nhân cảm thấy ít lo lắng hơn và yêu cầu dùng ít thuốc giảm đau hơn.
Nhưng có lẽ hai nghiên cứu hấp dẫn nhất và những nghiên cứu bắt đầu lấp đầy Facebook News feed của mọi người, là những nghiên cứu đã chứng minh rằng psilocybin thiết lập các kết nối mới giữa các vùng khác nhau của não và thực sự có thể chữa lành các tế bào não bị tổn thương và tạo ra sự phát triển của các tế bào mới. Trong một nghiên cứu được công bố bởi Briony J Catlow và các đồng nghiệp trong Nghiên cứu Não bộ Thực nghiệm vào năm 2013, các nhà nghiên cứu của Đại học Nam Florida đã huấn luyện những con chuột sợ bị điện giật khi chúng nghe thấy âm thanh liên quan. Họ xác định rằng những con chuột được điều trị bằng psilocybin đã học cách ngừng phản ứng với âm thanh kích hoạt sốc nhanh hơn nhiều so với những con không được điều trị bằng nấm. Ở liều lượng thấp nhằm dập tắt phản ứng sợ hãi, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng quá trình hình thành thần kinh – neurogenesis, quá trình tạo ra các tế bào não mới – thực sự tăng lên. Các nhà nghiên cứu cho rằng psilocybin liên kết với các thụ thể não giúp kích thích tăng trưởng và chữa bệnh, hoạt động trên vùng hải mã, một phần nhỏ cần thiết của não để học hỏi và hình thành các ký ức. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng psilocybin có thể hữu ích trong việc điều trị các rối loạn hậu chấn tâm lý.
Khám phá này được theo sau bởi một bài viết trên Journal of the Royal Society Interface (TD: Tạp chí Giao diện Hiệp hội Hoàng gia) vào năm 2014, tại đó các nhà nghiên cứu đã truyền psilocybin hoặc giả dược (placebo) vào máu của 15 tình nguyện viên khỏe mạnh. Các mô hình não trải qua một sự thay đổi đáng kể sau khi điều trị bằng psilocybin: bệnh nhân được điều trị bằng psilocybin trở nên “siêu kết nối” và chứng tỏ khả năng liên lạc tốt hơn trên toàn bộ não.
Trong sơ đồ trong ảnh đầu bài viết, một bộ não bình thường nằm ở bên trái. Não bên phải hiển thị các mạng lưới liên lạc mới giữa các tế bào não xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng psilocybin. Trong những trường hợp này, bộ não thực sự tự tổ chức lại để kết nối các vùng não chưa được kết nối trước đó. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng một khi cơ chế này được hiểu rõ, các nhà khoa học có thể sản xuất các loại thuốc điều trị trầm cảm và các vấn đề thần kinh khác.
Nghiên cứu nghe có vẻ đầy hứa hẹn, nếu psilocybin có thể chữa trị các tế bào não bị hư hỏng và tạo ra các tế bào mới, một loạt các đột phá y học tiềm năng có thể xảy ra. Tuy nhiên, tình trạng psilocybin là một chất thuộc Nhóm 1 có nghĩa là các nhà nghiên cứu phải có được sự cho phép khó nhận được từ Cơ quan Phòng chống Ma túy liên bang trước khi tiến hành bất kỳ nghiên cứu nào và thủ tục giấy tờ cần thiết tốn nhiều thời gian và khó khăn, do đó ít nhất là cho đến nay các nghiên cứu như vậy là rất ít. Các nghiên cứu được trích dẫn trong bài báo này được thực hiện trên cỡ mẫu khá nhỏ và chưa được lặp lại bởi các nghiên cứu sau này – theo tiêu chuẩn vàng cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, các nghiên cứu sơ bộ là rất thú vị. Một cây nấm đơn giản có thể có tiềm năng lớn.
18/9/2016
Tác giả: Stephanie Larsen
Biên dịch: Mithrandir
Hiệu đính: Prana
Bài viết được đăng tại THDP DEEP CLUB 20/8/2020
Gia nhập THĐP Deep Club để đọc thêm rất nhiều bài hay khác.
Danh mục nội dung THĐP Deep Club https://bit.ly/DEEPCLUB_INDEX
Gia nhập THĐP DEEP CLUB https://bit.ly/DK_DEEPCLUB